Nguyên nhân Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt (1946)

Sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945, thực dân Pháp mất quyền cai trị Liên bang Đông Dương. Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng khối Đồng Minh, Việt Minh chớp thời cơ giành chính quyền từ tay Đế quốc Việt Nam được Đế quốc Nhật Bản bảo hộ, nhanh chóng kiểm soát đất nước, và thành lập chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Theo thỏa thuận của ba cường quốc Đồng Minh là Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ thì 20 vạn quân của quân đội Trung Hoa Dân Quốc sẽ tiến vào miền Bắc Việt Nam để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Đế quốc Nhật Bản. Ở miền Nam Việt Nam, quân Anh tiến vào với nhiệm vụ tương tự. Tuy người Việt Nam đã tự thành lập chính quyền và tuyên bố độc lập, chính phủ Pháp vẫn quyết tâm tái lập quyền cai trị Đông Dương. Tưởng Giới Thạch nhanh chóng nhận thức được rằng với vị thế cường quốc của Trung Quốc sẽ giúp ông ép Pháp phải chấp nhận các điều kiện do ông đưa ra để giải quyết những xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Pháp nếu Pháp muốn quay lại thuộc địa cũ của mình[2].

Rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, người Pháp, dưới sự giúp đỡ của quân đội Anh, đã dùng vũ lực buộc Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ phải giải tán, giao lại chính quyền cho người Pháp. Tuy nhiên, chính quyền người Việt đã thực hiện cuộc chiến tranh du kích để chống lại.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, chính phủ của Hồ Chí Minh tổ chức Tổng tuyển cử trên cả nước.[3] Mặc dù việc Hồ Chí Minh thắng cử là không thể nghi ngờ nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra không dễ dàng do sự chống phá của quân đội Pháp và những người thân Pháp cũng như thân Trung Hoa Dân quốc. Sau đó, chính phủ hợp hiến được thành lập bao gồm chủ yếu là những người dân tộc chủ nghĩa và Đảng Cộng sản, phần thiểu số thuộc về những đảng phái thân Pháp và thân Trung Hoa Dân quốc. Hồ Chí Minh chấp nhận sự có mặt của những người thân Pháp và thân Trung Hoa Dân quốc nhằm hai mục đích. Thứ nhất, lấy đó làm cơ sở để kêu gọi Mỹ công nhận nền độc lập và viện trợ cho Việt Nam. Thứ hai, nhằm tránh phải đụng độ vũ trang với Pháp và Trung Hoa Dân quốc.

Đầu 1946, với khoảng 40 ngàn quân, Pháp mới chỉ kiểm soát được một ít đất đai ngoài các thành phố, và các đường quốc lộ ở Nam Bộ. Tới tháng 3/1946, tướng Leclerc cũng chỉ mới có 50 ngàn quân. Khác với hầu hết những người Pháp, Leclerc nhận thức được khó khăn của cuộc chiến tranh du kích và có thiên hướng lựa chọn đàm phán để có được một giải pháp chính trị, chứ không chủ trương giải quyết vấn đề bằng quân sự. Điều này có nghĩa là Pháp phải từ bỏ toan tính tách rời xứ Nam Kỳ khỏi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất. Tướng Leclerc tin chắc rằng Việt Minh là một phong trào dân tộc chủ nghĩa mà Pháp không thể khuất phục bằng quân sự nên ông ép đại diện của Pháp ở miền Bắc, Jean Sainteny, ký bằng được một thỏa ước với Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính phủ đang kiểm soát Hà Nội và Hải Phòng. Trong một báo cáo mật gửi về Paris hôm 27/3, Leclerc nói sẽ không một giải pháp nào bằng bạo lực là khả thi ở Đông Dương.[4]

Ở miền Bắc, quân đội Trung Hoa Dân Quốc vẫn công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho mưu đồ chính trị của họ. Tuy nhiên, người Pháp cũng đã thương lượng với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc để đưa quân đội xâm nhập Bắc Việt Nam theo lệnh của phe Đồng Minh.

Ngày 28 tháng 2 năm 1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết, với các điều khoản chính như sau:

  • Pháp trả lại cho Tưởng các tô giới của Pháp trên đất Trung Hoa là: Hán Khẩu, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Đông, Quảng Châu Loan, Sa Diện và nhượng lại quyền khai thác lợi tức kinh tế cũng như quyền sở hữu tại toàn bộ tuyến đường sắt Hải Phòng – Côn Minh cho Trung Quốc.
  • Pháp từ bỏ một số quyền lợi kinh tế trên đất Trung Quốc và nhượng lại những quyền lợi đó cho Trung Quốc.
  • Pháp cũng từ bỏ quyền lãnh sự tài phán đối với công dân Pháp sống tại Trung Quốc (quyền lãnh sự tài phán là một đặc quyền bất bình đẳng, theo đó công dân Pháp sống tại Trung Quốc nếu phạm tội thì sẽ đưa về lãnh sự quán Pháp để xét xử chứ không xử bằng luật pháp nước sở tại)
  • Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ được một số quyền lợi ở miền Bắc Việt Nam như: Được quyền khai thác kinh tế tại một đặc khu của cảng Hải Phòng và Hải Phòng sẽ là một hải cảng tự do để Trung Quốc có thể ra vào buôn bán, hàng hoá của Trung Quốc nhập qua Miền Bắc Việt Nam sẽ không cần phải đóng thuế.
  • Ngược lại, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đồng ý cho Pháp thay thế quân Trung Hoa giải giáp quân Nhật tại miền Bắc Việt Nam, việc thay quân sẽ diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946, kỳ hạn chậm nhất sẽ là ngày 31 tháng 3 năm 1946 (Tuy nhiên, trên thực tế, Quân Trung Hoa Dân Quốc vẫn còn đồn trú tại miền Bắc Việt Nam cho đến ngày 15/6/1946 thì người lính cuối cùng của Trung Quốc mới rời khỏi Bắc Việt, trong thời gian Quân Trung Quốc còn ở Việt Nam đồn trú, ngày 18/3/1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cử một phái đoàn sang Trùng Khánh để giữ quan hệ hoà hảo với Trung Quốc).

Về cơ bản, hiệp ước này cho phép quân đội Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam thay thế cho quân Trung Hoa Dân Quốc để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Đổi lại, Pháp cũng đã trả lại các tô giới của mình trên đất Trung Quốc cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và nhượng cho Trung Quốc một số đặc quyền về kinh tế và chính trị.